April 04,2023 - Vision on branding
Sơ lược về Thương mại điện tử và những mô hình kinh doanh kỷ nguyên số
Khái niệm
E-commerce, còn được gọi là thương mại điện tử hoặc thương mại internet, đề cập đến việc mua và bán hàng hóa hoặc dịch vụ bằng cách sử dụng internet và chuyển tiền và dữ liệu để thực hiện các giao dịch này. Thương mại điện tử được dùng để chỉ việc bán sản phẩm trực tuyến, không chỉ sản phẩm vật lý mà còn cả sản phẩm và dịch vụ phi vật lý. Trong khi kinh doanh điện tử đề cập đến tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử đề cập cụ thể đến giao dịch hàng hóa và dịch vụ.
Lịch sử của thương mại điện tử
Lịch sử của thương mại điện tử bắt đầu từ lần bán hàng trực tuyến đầu tiên vào ngày 11 tháng 8 năm 1994, một người đàn ông đã bán đĩa CD của ban nhạc Sting cho bạn của mình thông qua trang web NetMarket, một nền tảng bán lẻ của Mỹ. Đây là ví dụ đầu tiên về việc một người tiêu dùng mua sản phẩm từ một doanh nghiệp thông qua World Wide Web - hay “thương mại điện tử” như chúng ta thường biết ngày nay. Kể từ đó, thương mại điện tử đã phát triển để giúp người dùng khám phá và mua sản phẩm dễ dàng hơn thông qua các nhà bán lẻ và chợ trực tuyến. Các cá nhân kinh doanh tự do, các doanh nghiệp nhỏ và các tập đoàn lớn đều được hưởng lợi từ thương mại điện tử, cho phép họ bán hàng hóa và dịch vụ của mình ở quy mô mà bán lẻ truyền thống không thể thực hiện được.
Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ của kỷ nguyên số. Khoa học công nghệ phát triển không ngừng đã tác động đến đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực, nổi trội nhất phải kể đến là nền thương mại điện tử thế giới với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay, Alibaba. Tại thị trường Việt Nam, năm 2018 là sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 và khách hàng đã được chứng kiến cuộc chiến đầy quyết liệt giữa 4 ông lớn: Tiki, Shopee, Lazada, Sen Đỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng dần dịch chuyển số và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử nhằm tạo ra trải nghiệm khách hàng đồng nhất trên cả kênh online và offline, từ đó tiếp cận và nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng của họ. Một số doanh nghiệp bán lẻ có hoạt động thương mại điện tử sôi động và nổi bật có thể kể đến như Thế giới di động, Điện máy xanh, Agoda,...
Các loại mô hình thương mại điện tử
Có bốn loại mô hình thương mại điện tử chính có thể mô tả hầu hết mọi giao dịch diễn ra giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C):
B2C diễn ra khi một doanh nghiệp bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho một người tiêu dùng cá nhân (VD: Bạn mua một đôi giày từ một nhà bán lẻ trực tuyến).
- Doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B):
B2B diễn ra khi một doanh nghiệp bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho một doanh nghiệp khác (VD: Một doanh nghiệp bán phần mềm dưới dạng dịch vụ cho các doanh nghiệp khác).
- Người tiêu dùng tới người tiêu dùng (C2C):
C2C diễn ra khi một người tiêu dùng bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho một người tiêu dùng khác (VD: Bạn bán đồ nội thất cũ của mình trên eBay cho một người tiêu dùng khác).
- Người tiêu dùng tới doanh nghiệp (C2B):
C2B diễn ra khi người tiêu dùng bán sản phẩm hoặc dịch vụ của riêng họ cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức (ví dụ: Người có ảnh hưởng đề nghị tiếp xúc với khán giả trực tuyến của họ để đổi lấy một khoản phí hoặc một nhiếp ảnh gia cấp phép ảnh của họ cho doanh nghiệp sử dụng).
Ví dụ về thương mại điện tử
Thương mại điện tử có thể có nhiều hình thức liên quan đến các mối quan hệ giao dịch khác nhau giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như các đối tượng khác nhau được trao đổi như một phần của các giao dịch này. Một số ví dụ về các hình thức của thương mại điện tử có thể kể đến như sau:
- Bán lẻ (Retail):
Bán lẻ là việc bán sản phẩm của doanh nghiệp trực tiếp cho khách hàng mà không qua bất kỳ trung gian nào. Đây là hình thức phổ biến nhất mà các doanh nghiệp lựa chọn để phát triển hoạt động thương mại điện tử vì khách hàng có thể mua sản phẩm trực tiếp từ website và các kênh online khác của họ mà không cần đến tận cửa hàng hoặc qua kênh trung gian.
- Bán buôn (Wholesale):
Bán buôn là việc bán sản phẩm với số lượng lớn, thường cho một nhà bán lẻ sau đó bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Bán buôn diễn ra khi một doanh nghiệp bán lẻ sử dụng website và các nền tảng trực tuyến khác để mua hàng từ nhà cung cấp với giá bán buôn. Các nền tảng này cho phép doanh nghiệp tiếp cận với những nhà cung cấp tiềm năng và đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình. Một ví dụ điển hình về nền tảng bán buôn chính là website Alibaba.
- Bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển (Dropshipping):
Bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển là việc bán một sản phẩm do một bên thứ ba sản xuất và vận chuyển cho người tiêu dùng. Các nền tảng của hình thức thương mại điện tử này có thể kể đến Shopify, Magento, BigCommerce,... Đây là hình thức mà các doanh nghiệp bán lẻ mới thành lập lựa chọn nếu không có nhiều vốn đầu tư nhưng muốn gia nhập thị trường thương mại điện tử vì nó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và linh hoạt về địa điểm. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là tiếp thị để thúc đẩy lượng sản phẩm bán được. Hình thức thương mại điện tử này không dành cho các doanh nghiệp đặt thương hiệu làm trọng tâm của sự phát triển hoặc muốn có lợi nhuận cao vì biên lợi nhuận của dropshipping khá thấp.
- Huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding):
Huy động vốn cộng đồng là việc thu tiền từ người tiêu dùng trước khi sản phẩm có hàng để huy động vốn khởi nghiệp cần thiết đưa sản phẩm đó ra thị trường. Các nền tảng của hình thức thương mại điện tử này có thể kể đến Shopify, Kickstarter, Indiegogo,... Tại Việt Nam, hình thức này chưa quá phổ biến vì sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây khiến khách hàng có xu hướng ngần ngại bỏ tiền nếu chưa hiểu rõ về hoạt động của doanh nghiệp. Một ví dụ về crowdfunding thành công tại Việt Nam là Comicola - một trang gây quỹ trong mảng truyện tranh với rất nhiều dự án huy động vốn cộng đồng thành công. Bên cạnh crowdfunding, Comicola còn bán các sản phẩm truyện tranh online.
- Đăng ký (Subscription):
Đăng ký là việc mua sản phẩm hoặc dịch vụ tự động định kỳ thường xuyên cho đến khi người đăng ký chọn hủy. Hình thức này phổ biến với doanh nghiệp kinh doanh các loại sản phẩm phi vật lý và dịch vụ. Ví dụ điển hình cho loại hình thương mại điện tử này chính là dịch vụ xem phim của Netflix hoặc nghe nhạc của Spotify, sau khi người mua hàng liên kết thẻ thanh toán với tài khoản, mỗi tháng phí tài khoản sẽ được trừ tự động đến khi người dùng hủy liên kết thẻ và ngừng sử dụng dịch vụ.
Sản phẩm vật lý (Physical products):
Sản phẩm vật lý là tất cả các loại hàng hóa hữu hình nào yêu cầu bổ sung hàng trong kho và đơn hàng phải được vận chuyển qua đường vật lý đến tay khách hàng khi giao dịch bán hàng được thực hiện.
- Sản phẩm kỹ thuật số (Digital products):
Sản phẩm kỹ thuật số là tất cả các loại hàng hóa kỹ thuật số, template, khóa học hoặc các loại phương tiện có thể tải về thiết bị thông minh mà bắt buộc phải được mua để được sử dụng hoặc được cấp phép sử dụng. Các ứng dụng trả phí trên Apple Store hoặc CH Play chính là ví dụ điển hình của sản phẩm kỹ thuật số. Dịch vụ (Services) Dịch vụ là một loại hàng hóa phi vật chất. Nó là sự vận hành một chuỗi các hoạt động nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh hoặc sinh hoạt tiêu dùng của các cá nhân và tổ chức. Ví dụ cho hình thức này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ render. Họ cung cấp giải pháp cho những cá nhân và tổ chức cần render video nhưng cấu hình máy tính không đủ mạnh mẽ.
Dưới đây là bài viết giới thiệu tổng quan về Thương mại điện tử. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những Cơ hội & Thách thức do Thương mại điện tử đem tới. Mời bạn đón đọc!
Bài viết gốc Sơ lược về Thương mại điện tử và những mô hình kinh doanh kỷ nguyên số được đăng trên website Beau Agency Vietnam.