February 14,2022 - Brand story
Giành lại quyền kiểm soát hình ảnh thương hiệu chỉ trong 3 bước
Câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người kiểm soát hình ảnh thương hiệu (brand image)? Nếu bất cứ người làm thương hiệu nào khẳng định là mình thì rất có thể họ đã nhầm. Người làm thương hiệu có thể tác động tới hình ảnh thương hiệu ở một mức độ nhất định nhưng trên thực tế, có những tác động bên ngoài ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu mà chính bản thân thương hiệu cũng có thể không nhận thức được.
Nếu doanh nghiệp không chủ động, có chiến lược kiểm soát hình ảnh thương hiệu thì hãy coi chừng…quyền kiểm soát ấy hoàn toàn có thể tuột khỏi tay bạn bất cứ lúc nào! Trong trường hợp doanh nghiệp đang lâm vào tình thế ấy, bài viết này sẽ cung cấp 3 bước giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề, lấy lại thế kiểm soát với hình ảnh thương hiệu của mình.
Xem thêm: Brand Image: Hình ảnh thương hiệu là gì
Điều gì tác động tới hình ảnh thương hiệu?
Dù doanh nghiệp là ai, đang kinh doanh trên lĩnh vực nào thì điều chắc chắn là doanh nghiệp đã và đang sản xuất rất nhiều tài liệu tiếp thị bao gồm cả hình ảnh lẫn nội dung, với mục đích cung cấp thông tin, chia sẻ về tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp nên cẩn thận, đảm bảo những yếu tố ấy độc nhất – đặc biệt là thiết kế sáng tạo, công nghệ độc quyền hay bất cứ thứ gì xác định doanh nghiệp là ai, đều được trình bày và giải thích rõ ràng. Dù là trực tiếp hay gián tiếp, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mình truyền được thông điệp về unique selling point của mình cho khách hàng biết.
Và doanh nghiệp sẽ xây dựng hình ảnh của mình qua những thông điệp ấy? Không hoàn toàn đúng. Bởi nguồn thông tin của doanh nghiệp chỉ là một trong số nhiều nguồn mà khách hàng dùng để đánh giá và định hình hình ảnh thương hiệu trong tâm trí họ.
=> Khách hàng nhìn nhận thương hiệu của bạn như thế nào?
Những nguồn thông tin khác ấy là gì? Họ xem các review, cả tính cực lẫn tiêu cực, để xem người tiêu dùng khác đang nói gì về doanh nghiệp, họ xem website, mạng xã hội của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp tự nói về mình như thế nào, thậm chí họ xem cả những gì đối thủ nói về doanh nghiệp.
Khách hàng ngày nay nắm được nhiều thông tin thị trường hơn bao giờ hết. Thực tế này là điều tích cực cho việc giới thiệu sản phẩm, bán hàng thuận lợi. Nhưng nó cũng có thể khiến doanh nghiệp sụp đổ nếu doanh nghiệp để hình ảnh của mình bị xấu trước công chúng.
3 bước kiểm soát hình ảnh thương hiệu
Bước 1: Đánh giá tình trạng hình ảnh thương hiệu
Khi khách hàng không thể nói lên tính chất, giá trị của thương hiệu tức là doanh nghiệp đã đánh mất quyền kiểm soát đối với hình ảnh thương hiệu. Và trò chơi sẽ kết thúc nếu phần lớn khách hàng tiềm năng chưa bao giờ nghe hoặc không biết gì tới thương hiệu.
Mục đích của bước 1 là xác định rằng liệu doanh nghiệp đã mất quyền kiểm soát với hình ảnh thương hiệu của mình? Hay bạn chưa bao giờ có sự kiểm soát ấy? Doanh nghiệp cần trung thực với chính mình. Vấn đề không phải là doanh nghiệp nghĩ gì về thương hiệu của mình mà là thị trường, khách hàng đang nghĩ gì về thương hiệu ấy? Mau chóng tìm kiếm nguồn thông tin. Thông tin từ nhân viên, từ khách hàng, từ nhà cung cấp, đối thủ và từ tất cả mọi người. Đặt những câu hỏi mở và chuẩn bị tinh thần bởi ngoài kia có thể có những vấn đề tồi tệ doanh nghiệp không hề biết.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những vấn đề riêng, một doanh nghiệp start-up có thể sẽ gặp vấn đề với việc đưa hình ảnh của mình tới khách hàng, còn một doanh nghiệp trưởng thành thường đối mặt với việc giữ hình ảnh thương hiệu theo đúng với mục tiêu của họ. Doanh nghiệp cần xác định chính xác nhất vấn đề mình đang gặp phải, vấn đề càng rõ thì càng dễ dàng tìm ra giải pháp.
Bước 2: Kế hoạch hành động cho hình ảnh thương hiệu
Ở bước này, doanh nghiệp cần thiết lập kế hoạch hành động để khẳng định lại định vị, cũng như quảng bá thương hiệu của mình. Bất kể doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gì, thương hiệu luôn phải là một phần trong chiến dịch tiếp thị tổng thể của doanh nghiệp. Để đạt được, duy trì và quan trọng là kiểm soát hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp cần liên tục tạo các hoạt động củng cố hình ảnh ấy. Trong trường hợp doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về thương hiệu, thiết kế chiến lược thì doanh nghiệp nên tìm tới những đơn vị có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp tự làm chiến dịch hay thuê ngoài thì chiến dịch vẫn nên được cân bằng giữa ba kênh truyền thông chính là: Owned media, paid media và earned media. Cụ thể:
- Owned media: Là những kênh truyền thông chính thức mà doanh nghiệp sở hữu như website, blog, fan page của doanh nghiệp hay những ấn phẩm mà doanh nghiệp sản xuất như ebook, video,…
- Paid media: Là những kênh truyền thông trả phí, như báo, tạp chí, radio, TV,… hoặc các kênh digial như ads, SEM, PPC,…
- Earned media: Phủ sóng truyền thông, mạng xã hội bằng like, share và những nội dung từ người dùng (user genrated content), blogger mentions/coverage, review từ khách hàng,…
Chìa khoá cho xây dựng thương hiệu thành công là lập ra một kế hoạch tận dụng được mọi kênh truyền thông có thể có. Tạo ra nội dung chất lượng, đưa chúng lên những kênh truyền thông doanh nghiệp sở hữu, chia sẻ nó trên mạng xã hội,…tất cả là để tương tác với khách hàng cũ, thu hút khách hàng tiềm năng, chuyển đổi những tương tác ấy thành doanh số bán hàng, cuối cùng, giữ họ lại với thương thương hiệu.
Không có công thức nào đúng cho mọi doanh nghiệp nhưng nội dung chất lượng, theo đúng hình ảnh mà thương hiệu mong muốn tiếp cận đúng đối tượng sẽ là nền tảng cơ bản nhất trong xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Bước 3: Đo lường hiệu quả của kế hoạch xây dựng hình ảnh thương hiệu
Sau khi doanh nghiệp đã có kế hoạch hành động và đưa nó vào thực thi, hãy lưu ý rằng nó cần thời gian để đem lại hiệu quả. Với những kênh truyền thông truyền thống có thể sẽ khó khăn trong việc đo lường hiệu quả và doanh nghiệp có thể phải chờ từ 6 tới 12 tháng để đo lường hiệu quả. Với những kênh digital, doanh nghiệp có thể đo chúng thường xuyên hơn, tuy nhiên xây dựng hay thay đổi hình ảnh thương hiệu vẫn là việc cần thời gian dài để thấy được sự thay đổi.
Doanh nghiệp có thể theo dõi tương tác trên các kênh digital để có được những tín hiệu từ khách hàng, sau đó thống kê lại hiệu quả của các kênh truyền thống để biết được kết quả của cả chiến dịch. Từ kết quả có được, doanh nghiệp sẽ đánh giá được hiệu quả của từng kênh và nội dung mà doanh nghiệp phát ra và dựa vào đó xem xét điều chỉnh kế hoạch.
Xem thêm: Những thương hiệu về lối sống này đã xây dựng hình ảnh thương hiệu tuyệt vời như thế nào?
Kết
Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài, không chỉ là nền móng để bắt đầu kinh doanh mà nó còn chạy xuyên suốt trong quá kinh doanh nghiệp ấy hoạt động. Việc lơ là, thiếu thận trọng với thương hiệu sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tới sức khoẻ của doanh nghiệp. Những ảnh hưởng này không rõ ràng ngay từ đầu mà tích tụ ngày qua ngày, nó chỉ rõ ràng khi vấn đề đã lớn và lúc ấy thì đã muộn. Bởi vậy doanh nghiệp không nên đợi tới lúc doanh số giảm mạnh mới làm hay kiểm tra hình ảnh thương hiệu. Hãy thận trọng.
=> Thiết kế Logo: Màu sắc nói lên điều gì về Thương hiệu của bạn?