May 27,2024 - Brand story
Sức mạnh của câu chuyện thương hiệu
Khi chúng tôi hỏi thương hiệu nào đáng nhớ với mọi người, câu trả lời không bất ngờ lắm - Apple hoặc Nike thường được nhắc tới. Đáng nhớ và bề thế, các công ty này được biết tới bởi rất nhiều người không dùng sản phẩm của họ.
Có thể nói, những thương hiệu đã này đạt được trạng thái biểu tượng - khi mà giá trị của công ty vượt xa những thứ được bán.
Vậy, bí quyết chung là gì, ngoài ngân sách marketing nhiều ngang GDP của một nước nhỏ?
Đó chính là: Các thương hiệu này đều được gây dựng dựa trên những câu chuyện.
Brand story - câu chuyện thương hiệu là gì?
Đơn giản thì, brand story là một câu chuyện được xây dựng dành riêng cho thương hiệu. Câu chuyện này có thể được tạo ra dựa trên thông điệp, giá trị, lịch sử, hay đối tượng khách hàng, và nhiều nguồn cảm hứng khác.
Một câu chuyện thương hiệu có thể khác về quan điểm, nội dung, độ dài, hình thức, cách diễn đạt, và tông giọng. Nhưng bạn sẽ không tạo nên một câu chuyện tốt nếu bắt đầu với câu hỏi như: “Thế này có giúp mình bán nhiều hàng hơn không?”
Mặc dù brand story chắc chắn có thể hỗ trợ hệ thống thương hiệu theo cách giúp tăng doanh số (điều mà chúng ta đều mong muốn), nhưng đó không phải là mục tiêu. Bạn không viết câu chuyện cho một đối tượng khách hàng.
Và câu chuyện thương hiệu không phải một công cụ marketing để tăng doanh số. Vậy thì nó có tác dụng gì?
Đọc thêm: Cách xây dựng Brand Story - Câu chuyện thương hiệu cuốn hút khách hàng
Brand story có tác dụng thế nào với thương hiệu?
Mục đích quan trọng nhất của brand story là thể hiện mục đích của thương hiệu. Từ đó, công ty có một công cụ hiệu quả để kết nối với con người một cách lâu dài. Hãy nhớ, con người, chứ không chỉ là người tiêu dùng.
Khi Apple rebrand vào năm 1997 với Steve Jobs, cả thương hiệu đã được thúc đẩy bởi một tầm nhìn duy nhất: “Think Different” - Nghĩ Khác. Hai từ này đã trở thành thông điệp cho lịch sử công ty về việc khám phá tiềm năng của những ý tưởng táo bạo. Và chắc chắn là chúng ta đã thấy nó định hướng cho văn hoá của Apple như thế nào kể từ đó.
Có thể thấy, câu chuyện hay sẽ giúp định hướng thương hiệu với rất nhiều chi tiết, từ copywriting, logo, hình ảnh, marketing, UX/UI, thậm chí đến dịch vụ khách hàng, quản lý dự án, tuyển dụng,..
Thương hiệu có cần một brand story?
Trước tiên, bạn cần nhận thấy các dấu hiệu rằng brand story sẽ đem đến giá trị cho doanh nghiệp:
- Bạn đang rebrand để thổi một sức sống mới vào thương hiệu
- Bạn đang thay đổi sản phẩm, dịch vụ
- Bạn chưa từng thấy câu chuyện của doanh nghiệp truyền cảm hứng
- Bạn muốn thể hiện giá trị công ty thông qua một phương pháp hiệu quả hơn Mục tiêu - Tầm nhìn - Sứ mệnh.
- Bạn thấy câu chuyện thành lập công ty rất cuốn hút mà chưa được diễn tả thành lời
Cách tạo nên một brand story thu hút
Dù dưới dạng nào, câu chuyện thương hiệu cũng nên bắt đầu từ lý do khởi đầu. Từ giá trị nội tại, bạn có thể kể chuyện để kết nối với người khác. Một brand story thu hút sẽ cần có các đặc tính sau:
- Một tác phẩm độc lập cuốn hút với ngôn từ và hình ảnh ấn tượng.
- Câu chuyện thể hiện được giá trị, tầm nhìn, và sứ mệnh thương hiệu.
- Tông giọng thương hiệu được sử dụng
- Tình tiết chân thật với đam mê của thương hiệu và tránh các yếu tố marketing
- Sự diễn cảm để người đọc có thể cảm nhận sự tương đồng về giá trị sống
Đọc thêm: Kim cương đã thao túng tâm lý người tiêu dùng
Các brand story tham khảo
Tạo nên một câu chuyện thương hiệu hay không phải chuyện dễ dàng, nhưng bạn luôn có thể tham khảo.
Airbnb
Người đồng sáng lập Airbnb, Brian Chesky đã viết một câu chuyện cuốn hút về cách một ý tưởng nhỏ biến thành thương hiệu toàn cầu được yêu thích ngày nay. Và tất cả được gói gọn trong một từ: Belonging - Thuộc về.
Câu chuyện biến Airbnb trở thành một người hùng đi thiết lập sự kết nối trong thế giới ngày càng chia rẽ. Và người dùng Airbnb chợt cảm thấy họ không chỉ đang dùng một dịch vụ, họ đang tìm nơi để thuộc về.
Lululemon
Lululemon huấn luyện mọi sản phẩm được tạo ra dựa trên câu chuyện về “nàng/chàng thơ” - Ocean và Duke. Đó là hai hình mẫu lý tưởng mà mọi người hướng tới, giúp thúc đẩy sự đổi mới và kết nối với mong muốn của khách hàng.
Đọc thêm: Xây dựng persona - chân dung khách hàng mục tiêu bất động sản trong 6 bước
Nike
Từ mọi điểm chạm, Nike đều toát ra hào quang của người anh hùng dũng cảm, người sẽ nói với chúng ta: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường.” Và trong mỗi chúng ta đều có một vận động viên đang chờ được khai phá tiềm năng.
Trong thế giới bão hoà thông tin này, chúng ta khao khát và yêu cầu sự kết nối trong mọi thứ, bao gồm cả những thương hiệu mình mua. Brand story có thể làm được điều đó, kết nối tổ chức với khách hàng qua sự đồng cảm, và để họ có thể đặt thương hiệu vào câu chuyện của chính họ.